TRƯỜNG CAO ĐẲNG MỸ THUẬT ĐÔNG DƯƠNG

Sự ra đời của một ngôi trường giáo dục mỹ thuật chính qui là một tất yếu ở nước ta. Nhưng điều ấy chắc chắn sẽ xảy ra muộn hơn thời điểm 1925 - nếu không có một ngẫu nhiên của lịch sử.

  MẤY GHI CHÚ VỀ LỊCH SỬ

Tòa nhà mới của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại 102 phố Reinach, Hà Nội. Ảnh chụp năm 1929

 KỶ NIỆM 90 NĂM THÀNH LẬP TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỸ THUẬT VIỆT NAM (1925 – 2015)

  1. Tất nhiên và ngẫu nhiên

Sự ra đời của một ngôi trường giáo dục mỹ thuật chính qui là một tất yếu ở nước ta. Nhưng điều ấy chắc chắn sẽ xảy ra muộn hơn thời điểm 1925 – nếu không có một ngẫu nhiên của lịch sử.

Nói tất yếu là bởi vì, về mỹ thuật, người Nhật đã chịu ảnh hưởng của phương Tây từ nửa sau thế kỷ 19, và người Trung Hoa, chậm hơn, vào đầu thế kỷ 20. Trên thực tế, với nghệ thuật vẽ sơn dầu Âu châu, người Trung Hoa thậm chí đã từng phải học thông qua người Nhật Bản…

Ở nước ta, những họa sĩ như Lê Văn Miến, Nguyễn Nam Sơn, Thang Trần Phềnh là những đại diện cho xu thế đó.

Họa sĩ Nguyễn Nam Sơn năm 1919

Họa sĩ Nguyễn Nam Sơn sinh năm 1890, tức là ông đã ngoài 30 tuổi khi những năm 1920 đầu tiên bắt đầu. Ở vào thời điểm ấy, ông là người “An-nam” duy nhất có đủ độ chín về nhận thức và trải nghiệm tấn bi kịch của nền mỹ thuật Việt Nam đương thời: sự mất lòng tin, dao động trước truyền thống khi bị lóa mắt trước người châu Âu, tình trạng xuống cấp trầm trọng của thị hiếu và chất lượng các sản phẩm mỹ thuật; và cuối cùng, không gì khác – là nỗi khát khao không được thỏa mãn của các nghệ sĩ An-nam trẻ về một con đường mới của mỹ thuật.

Yếu tố ngẫu nhiên đã xuất hiện vào năm 1921, khi một họa sĩ Pháp được Giải thưởng Đông Dương, ông Victor Tardieu, đến Hà Nội. Ở thời điểm đó, có thể nói, nếu không phải là ông Tardieu mà là một người khác, và nếu ông Tardieu không tình cờ ký được một hợp đồng để có thể ở lại Đông Dương thêm một thời gian dài hơn thông lệ – thì cũng sẽ chưa có một sự thấu hiểu và hợp tác nào giữa người Việt Nam và người Pháp để lập ra một trường mỹ thuật.

Cuộc gặp của Victor Tardieu và Nguyễn Nam Sơn là một mối lương duyên định mệnh. Nó báo hiệu tính phi thường của một ngôi trường mỹ thuật trong tương lai.

VICTOR TARDIEU – Bức tranh trang trí Giảng đường lớn Khoa Y học, Đại học Đông Dương. Ảnh chụp năm 1930

  1. Năm 1924 và năm 1925

Về mặt pháp lý, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương có thể đi vào hoạt động ngay kể từ ngày 27 tháng 10 năm 1924, sau khi ông Merlin, Toàn quyền Đông Dương, ký nghị định “cho phép thành lập ở Hà Nội một trường mỹ thuật”.

Tuy nhiên, trường chưa thể mở cửa trước tháng 11 năm 1925, vì một số lý do:

– Cần thời gian cho việc quy hoạch và xây dựng dãy phụ cận, như tòa nhà Giải thưởng Đông Dương và tư thất của hiệu trưởng nhà trường.

– Cần thời gian để tập hợp và tổ chức hệ thống giảng viên cũng như để chuẩn bị các phương tiện vật chất khác cho hoạt động của nhà trường. Cũng trong thời gian này, họa sĩ Nguyễn Nam Sơn đã được cử sang học tập tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Quốc gia và Trường Cao đẳng Nghệ thuật Trang trí Quốc gia ở Paris, nhằm đảm nhiệm một chân phụ tá (moniteur) cho ban giám hiệu.

– Cần thời gian thông báo và chuẩn bị cho kỳ thi tuyển đầu tiên (mà trên thực tế đã diễn ra vào ngày 5 tháng 10 năm 1925).

Như vậy, năm khai giảng khóa học đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tức năm 1925, đã được lấy làm năm thành lập trường.

Victor Tardieu trong xưởng họa của ông ở Bắc Kỳ (khoảng 1922 – 1923)

  1. Địa điểm

Theo Tô Ngọc Vân: “Trường Mỹ thuật, năm đầu tiên sáng lập, ở khu vườn Dufeur, cũng trong phạm vi của Trường Mỹ thuật bây giờ. Đó là một xưởng lớn, lợp kẽm trước kia chứa cuốc xẻng của Sở Lục-lộ, năm 1925, vừa là tư thất của ông Đốc Tardieu, vừa là chỗ họp của những người mới được tuyển”.

Về cái tên “vườn Dufeur”, ngay cả nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc lúc sinh thời cũng đã không tìm ra tung tích. Điều chắc chắn rằng, địa điểm tạm thời ban đầu của Trường Mỹ thuật nằm trong những gian nhà rộng rãi vốn được xây dựng cho nhà máy phát điện phục vụ Đấu xảo 1902, cũng có thời gian làm điểm chứa hàng của Ga Hàng Cỏ. Đây cũng chính là nơi ông Victor Tardieu đã mượn chỗ để thực hiện bức tranh lớn 77m2 cho Trường Đại học Đông Dương vào những năm 1921-1927. Và sau khi Trường Mỹ thuật khai giảng khóa đầu tiên tháng 11 năm 1925, phải đợi thêm ba năm nữa tồn tại trong tình trạng thiếu thốn, trường mới có được tòa nhà mới ở 102 phố Reinach (trên đoạn cuối đã bỏ của phố Trần Quốc Toản bây giờ, nằm giữa phố Yết Kiêu và đường Lê Duẩn, đến nay vẫn còn một phần di tích tại số nhà 149B đường Lê Duẩn).

Địa chỉ số 42 phố Yết Kiêu hiện nay của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam trước đây chính là cổng sau của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở phố Bovet cũ.

 

Trang bìa Bản Nghị định cho phép thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội,

do Toàn quyền Đông Dương Merlin phê chuẩn ngày 27 tháng 10 năm 1924

 

Lớp điêu khắc, khoảng 1940

 

Sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đi thực tế ở nông thôn. Từ trái sang: Mai Trung Thứ, Tô Ngọc Vân và Lê Phổ

 

Họa sĩ Joseph Inguimberty (người thứ hai từ trái sang) và sinh viên

 Về tên trường

Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (l’École supérieure des Beaux-Arts de l’Indochine) tên chính thức là Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đại học Đông Dương (l’École supérieure des Beaux-Arts de l’Université indochinoise). Còn gọi tắt là Trường Mỹ thuật Đông Dương (l’École des Beaux-Arts de l’Indochine) hoặc Trường Mỹ thuật Hà Nội (l’École des Beaux-Arts de Hanoi).

Trường nằm trong hệ thống “Đại học đường” (Grandes Écoles) thuộc ngành giáo dục đại học Pháp. Chữ “cao đẳng” (supérieur) nhằm chỉ bậc học (đại học) và ngạch học (chính qui, công lập). Việc thành lập một trường như vậy buộc phải được quyết định bởi cấp bộ trưởng, mà vì vậy trường mới được hưởng ngân sách do nhà nước cấp.

Viện lưu trữ quốc gia Pháp, ngành hải ngoại (Archives nationales, Section Outre-Mer) hiện vẫn còn lưu một bức thư của Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Marius Moutet gửi Toàn quyền Đông Dương, ghi ngày 25 tháng 8 năm 1937, đề cử nhà điêu khắc Évariste Jonchère làm hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân (ảnh trong sưu tập của gia đình họa sĩ Joseph Inguimberty)

Năm 1938, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã được tổ chức lại (theo nghị định ký ngày 24 tháng 5 năm 1938 của Toàn quyền Đông Dương) và lấy tên là Trường Cao đẳng Mỹ thuật và Nghệ thuật thực hành Đông Dương (l’École supérieure des Beaux-Arts et des Arts appliqués de l’Indochine).

Theo đó, nhà trường có hai ban chính: ban hội họa, điêu khắc và sơn mài (section de peinture, sculpture et laque) và ban kiến trúc, thuộc ngành giáo dục đại học (l’enseignement supérieur).

Ba ban phụ thuộc về nghệ thuật thực hành: ban trần triết (bậc 2), ban kim hoàn và chạm trổ (bậc 1, nghề thủ công), ban gốm (bậc 1) và cuối cùng là một lớp bổ túc (cours complémentaire) về hội họa và nghệ thuật trang trí. Thời kỳ này, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã thuộc quyền giám đốc của nhà điêu khắc Évariste Jonchère (người chủ trương tăng cường giáo dục thủ công mỹ nghệ), sau cái chết của ông Victor Tardieu vào năm 1937. Như vậy là “sơn mài” từ chỗ là một môn học thử nghiệm, sau khoảng 10 năm, đã trở thành một môn học cơ bản tương đương với hội họa và điêu khắc.

Họa sĩ Lê Thị Lựu năm 1940 (ảnh Võ An Ninh)

  1. Về họa sĩ Nguyễn Nam Sơn

Nhân hai cuộc Đấu xảo ở Paris vào các năm 1931 và 1937, Toàn quyền Đông Dương và Tổng nha Học chính Đông Dương đã cho xuất bản hai cuốn sách: “Ba trường nghệ thuật Đông Dương” (1931) và “Các trường nghệ thuật Đông Dương” (1937).

Riêng trong cuốn xuất bản năm 1937 (Les écoles d’art de l’Indochine, hiện còn bản lưu tại Thư viện Quốc gia Hà Nội), phần giới thiệu về Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, có ghi ở trang 16: “… M. Nam Son, qui est un des deux fondateurs de l’École /… ông Nam Sơn là một trong hai người sáng lập Trường”.

Đây hẳn nhiên là một chứng cứ “đã thành văn” đủ tầm thiết yếu – để dẫn tới một sự truy nhận chính thức, có hiệu lực ngang luật – về vai trò của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn với tư cách là một trong hai người sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (cùng với họa sĩ người Pháp Victor Tardieu).

Các tác phẩm trưng bày trong Bảo tàng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (khoảng 1940 – 1945)

Ở chính giữa là hai tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí, Thiếu nữ bên đầm sen và Bên hồ Hoàn Kiếm,

tranh dài khổ dọc bên phải là tranh khắc gỗ Hai cô Mường của Nguyễn Văn Tỵ…

 6. Về họa sĩ Victor Tardieu

Lâu nay người ta vẫn thường đồng nhất ông Victor Tardieu – người sáng lập và là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương – với “những người Pháp sống ở thuộc địa”. Sự thật, ông Tardieu đến Việt Nam với tư cách của một người đến để hợp tác như chúng ta vẫn thường thấy hiện nay. Bản thân ông Victor Tardieu cũng không hề có quan hệ họ hàng gì với ông André Tardieu, một chính khách hàng đầu của nước Pháp thời đó. Bởi vậy, về mặt quyền lực, ông Tardieu cũng không hề có bất cứ một sự hậu thuẫn nào đến từ chính quốc Pháp. Trải qua nhiều phen Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương phải đối mặt với nguy cơ bị đóng cửa, người đứng ra bảo vệ mạnh mẽ nhất cho sự tồn tại của nhà trường lại chính là một người Việt Nam: ông Nghị trưởng Phạm Huy Lục.

Nhà điêu khắc Évariste Jonchère trong xưởng điêu khắc của ông ở Hà Nội, 1943

Trên tạp chí Indochine (số 171, ngày 9 tháng 12 năm 1943), về Victor Tardieu, học giả Claude Mahoudot viết: “…1924, năm thành lập Trường Mỹ thuật Hà Nội, vậy đúng là một năm quan trọng. Các họa sĩ An-nam không mắc sai lầm. Vì vậy họ đã tôn kính hồi nhớ lại người sáng lập nhà trường là ông Victor Tardieu. Chúng tôi không được biết người giám đốc đầu tiên này. Xem ảnh mà chúng tôi có, thì ông to lớn, cầm gậy trong tay, đi giày có ghệt, mặc áo gi-lê có mang dây đồng hồ, tóc chải cẩn thận, trắng hoàn toàn. Đôi mắt tinh nhanh sau một cặp kính của ông chủ ngân hàng Mỹ, thực là chân dung của một con người làm chủ tịch hội đồng quản trị, và thực tế, ông là một nhà quản trị giỏi. Ông cũng còn là một người thúc đẩy tốt, nếu ta nhìn vào những triển lãm mà ông tổ chức từ khi trường ra đời và những hoạt động của trường. Ông lại còn một đức tính hiếm hoi nữa: ông biết tập họp những người xung quanh. Nếu bản thân ông là một họa sĩ bình thường, như ta có thể thấy qua bức vẽ của ông tại Trường Đại học Hà Nội, thì ở trong nghề, ông hiểu được những nhu cầu của nghề. Biết rằng trường của ông có một cuộc sống mỏng manh, ông không bị hù dọa mà cũng không nản lòng trước những lời chỉ trích mà thường mọi việc hay gặp phải khi khởi đầu.”

Hà Nội, ngày 12 tháng 8 năm 1930. Hiệu trưởng Victor Tardieu cùng các sinh viên khóa đầu tiên trong một bữa tiệc thân mật.

Dãy bên phải, từ phía trước xuống: Georges Khánh, Victor Tardieu, Nguyễn Phan Chánh.

Dãy bên trái, từ phía trước xuống: Lê Văn Đệ, Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Công Văn Trung (ảnh của Hương Ký Photo)

Ở một góc độ khác, trong bản thảo tập hồi ký viết tay của họa sĩ Trần Quang Trân, về tình cảm của ông Victor Tardieu đối với những người học trò của ông, có một đoạn rất cảm động: “… Từ ông giám đốc, các giáo sư, học trò, rất thân mật với nhau. Mỗi năm, nhân dịp ngày nghỉ nào đó, họp mặt đầy đủ để ăn tiệc. Phòng vẽ dọn quang, kê lại ghế ngồi, rồi thửa tiệc ở nhà Splendide Đông-Hưng-viên hay Nhật Tân. Tha hồ say. Tôi còn nhớ năm ăn ở nhà anh Trần Phềnh, năm thì ăn ở gác Hưng-nghiệp-hội-xã 87 Henri d’Orléan (phố Phùng Hưng), năm thì ăn ở Nhật-Tân-lâu. Học trò rủ nhau chủ nhật đi vẽ, vào Hà Đông, thuê thuyền đi trên sông Nhuệ, ăn xôi, bánh mì, uống rượu và ăn đồ hộp, là thường. Tôi còn nhớ một hôm chủ nhật cũng đi thuyền trên sông Nhuệ, đến địa phận làng Khúc Thủy thì chị Cả Quang gọi lên bờ, vào nhà nghe hát cô đầu, và khi về thuyền còn tiễn hai chai xâm-banh, do đào Chu Thị Năm xách ra cho. Chơi thì chơi thả cửa mà làm cũng thấy mê mải, vì vẽ bao giờ cũng có hứng.

Vẽ sinh hứng thật. Đã đi vẽ thì đường khó đến đâu cũng vượt, mưa hay nắng bất chấp, cốt lấy cái cảnh cho đẹp, ánh sáng cho vừa ý là được. Từ ông giám đốc đến học sinh đều liều lĩnh như thế hết.”

Sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và sinh viên của một số trường đại học, cao đẳng khác đang trên đường đưa ông Victor Tardieu từ Nhà thương Saint-Paul về nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Hợp Thiện, Hà Nội

Victor Tardieu mất tại Hà Nội, ngày 12 tháng 6 năm 1937. Các học trò của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khi ấy đã để tang và đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng như một người cha của họ. Năm 1948, di hài ông đã được chuyển về Pháp, tại một ngôi làng nhỏ ở Fontainebleau.

Victor Tardieu sinh ngày 30 tháng 4 năm 1870 ở Lyon. Năm 1902, ông cưới Caroline Luigini, một nghệ sĩ chơi đàn harpe. Người con độc nhất của hai người, Jean Tardieu, đã từng đi nghĩa vụ quân sự ở Đông Dương, sau trở thành một nhà thơ nổi tiếng bậc nhất của nước Pháp.

Quang Việt
Source: Hội Mỹ Thuật Việt Nam / The Vietnam Fine Arts Association